Skip to content

Vai trò của giáo dục và chúng ta hy vọng gì ở thế hệ tương lai?

nelson-mandela-and-education

Từ những buổi cafe sáng…

Đó là một buổi cafe sáng với nội dung chia sẻ thân mật và cùng nhau “Mastermind” để định hướng cho một dự án kinh doanh đang khởi sự. Gặp một người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc cho các tổ chức nước ngoài, với kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, dự án kinh doanh xã hội của anh đã có bề dày khách hàng hơn 50 doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, nhưng 1 câu, 2 câu, 3 câu… anh vẫn luôn tỏ ra…. rất nhất quán khi cứ gọi tôi là “thầy”. Điều đó khiến cho tôi ngạc nhiên.

Dự án của anh làm về giáo dục. Qua những chiêm nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy Giáo dục có 1 quyền năng vô cùng to lớn: đó là thay đổi xã hội.

Bao nhiêu những mất mát, giá trị “bệnh hoạn”, và sự trì trệ của xã hội có phải đều có “nguyên nhân gốc rễ” (root cause) là từ giáo dục? Chúng ta vẫn hay nói rằng xã hội này chỉ có thể thay đổi khi cái thế hệ già nua và cũ kĩ hiện tại đang điều hành đất nước “ra đi”, và chỉ có thể hy vọng vào lớp trẻ thôi, câu nói cứ như đùa mà lại thật, buồn cười mà lại cười buồn…

Nếu giáo dục có khả năng thay đổi con người, thì đâu là thời gian tốt nhất để một con người thay đổi?

Đây là 1 bí mật của việc thay đổi, mỗi một sinh vật tồn tại trên trái đất này đều có 1 thời gian lý tưởng nhất để thay đổi, khi đó sự thay đổi diễn ra vô cùng tự nhiên và không “mất nhiều lực” như khi can thiệp ở các giai đoạn khác. Một con mèo vừa sinh ra trong mấy tháng đầu ta dạy cho nó đi vệ sinh vào hộp cát, ở đúng “khu vực quy định” sẽ dễ dàng hơn.  Hai người yêu nhau trong 18 tháng đầu tiên sẽ dễ dàng thay đổi vì nhau nhất, càng về sau sự thay đổi càng diễn ra trì trệ và chậm chạp, để rồi khi không thể thay đổi được nữa thì nhiều cặp vừa nói vừa thở dài là “thôi, tình yêu và hôn nhân là vậy, phải học cách chấp nhận”.

Áp dụng vào 2 ngành nghề có “sức ì” khá lớn hiện nay trong xã hội: giao thông và y tế như thế nào?

Lấy câu chuyện về giao thông Việt Nam làm ví dụ, hàng ngày vẫn diễn ra những cái chết theo kiểu “Final Destination” ở ngoài đường, tỷ lệ tử vong quá cao, cao đến giật mình khiến chúng ta ngại… ra đường, mà phần nhiều những vụ tai nạn đó đều là do ý thức tuân thủ & chấp hành luật giao thông của mọi người.

Ở Việt Nam đến năm 18 tuổi thi lấy bằng lái xe thì mới học luật giao thông, chưa bàn đến việc dạy dối trá, dạy học viên “mẹo” đánh trắc nghiệm cho đậu chứ không quan tâm đến việc học viên có hiểu bản chất của từng tình huống giao thông hay chưa, thì thời điểm này mới được học về luật có lẽ là khá trễ, khi 18 năm trước đó người thanh niên ấy đã sống, trải nghiệm cách mà người khác, thậm chí kể cả bố mẹ họ, tham gia giao thông trên đường. Nó đã thành “nếp” trên não, giống như một tờ giấy đã viết chi chít chữ trên đó, xóa đi viết lại rất khó, khéo xóa mạnh quá còn rách cả tờ!

Trong khi ở Nhật, người ta dạy luật giao thông cho trẻ em từ khi còn học mẫu giáo. Hoặc thậm chí là giai đoạn mầm non, như trong 1 cuốn sách có tên “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”, tác giả người Nhật cho biết việc giáo dục con cái có phương pháp cần bắt đầu từ 3 năm đầu đời. Một tờ giấy trắng vẫn dễ viết lên, nhất là những điều được “viết lên” là những thói quen tốt, tốt cho người đó, tốt cho xã hội này!

Làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng bấy lâu nay, tôi biết Việt Nam có tỷ lệ bệnh tật cao, nhiều căn bệnh ở nước ta có tỷ lệ bệnh cao hơn hẳn so với thế giới, ví dụ ung thư dạ dày, huyết áp, hay bệnh “đái đường” (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng)… Mà phần nhiều trong số những căn bệnh này được tạo nên bởi chính Lối sống (Lifestyle) của chúng ta – nghĩa là Cách ta sống trong hiện tại Quyết định bệnh tình của ta trong 5,10,20 năm nữa – cũng có nghĩa là ta tự “chuốc” lấy căn bệnh của chính mình.

Thực phẩm xung quanh đâu cũng thấy độc hại, nhưng ta không biết cách trở thành người tiêu dùng thông minh để tự bảo vệ mình (tất nhiên, với 1 chi phí hợp lý nhất), người VN vẫn chỉ có khái niệm “Ăn cho no” chứ không phải là “Ăn cho đủ chất”. Lối sống đến từ ăn và uống (dinh dưỡng), vận động, thói quen, môi trường xung quanh, hoạt động nghề nghiệp… Ta hoàn toàn mù tịt về những điều này, dẫn đến trong khi ta chê trách bác sĩ, y tá mất y đức thì ta cũng quên mắt rằng ta không biết cách phòng bệnh cho bản thân, dẫn đến tự gây ra bệnh cho mình, dẫn đến nhiều bệnh quá, dẫn đến nhiều người có bệnh, dẫn đến bệnh viện quá tải, dẫn đến môi trường bệnh viện quá chen chúc và nhân viên y tế không phục vụ xuể, dẫn đến ta cần họ hơn họ cần ta, dẫn đến thái độ dịch vụ của ngành y bét nhè và nhiều tệ nạn khác như phong bì chẳng hạn, dẫn đến nhiều sai sót mang tính hệ thống từ trên xuống dưới, dẫn đến ta mất niềm tin vào y tế VN, dẫn đến hàng năm có cả Tỷ USD bị “chảy” từ VN ra nước ngoài như Singapore chẳng hạn theo con đường khám chữa bệnh ngoại quốc…. Và dẫn đến cả “tỷ” thứ khác.

“Ta” thường là nguyên nhân của vấn đề nhưng hiếm khi nào “Ta” nghĩ rằng “Ta” cũng là 1 phần của nguyên nhân, mà nguyên nhân nằm ở đâu đó ngoài “Ta”.

Y tế Việt Nam chắc sẽ trở nên tốt hơn nếu mọi người dân đều được giáo dục và tự giáo dục từ sớm về ý thức (mindset) rồi đến những kiến thức (knowledge), kỹ năng (skill) và được cung cấp công cụ (tool) về Tự Phòng Bệnh, có như thế mới giải quyết “gốc rễ của vấn đề”. Việt Nam vẫn còn rất yếu và rất thiếu Y tế dự phòng (prevention healthcare). Chúng ta chỉ mới làm được khâu dự phòng các bệnh lây nhiễm (ví dụ: sốt xuất huyết), nhưng còn các bệnh tốn rất nhiều chi phí chữa trị như ung thư, huyết áp, tim mạch, các bệnh mạn tính khác… thì vẫn còn một khoảng trống quá lớn trên thị trường, cho các Start-up.

Và chắc chắn, y tế cần phát triển song hành với giáo dục. Bởi bác sĩ có giỏi cách mấy, mà người dân không được đào tạo về cách tự phòng bệnh cho bản thân, thì có xây bao nhiêu bệnh viện cũng không đủ.

Bạn thấy đó, giáo dục len lỏi vào trong tất cả mọi mặt của cuộc sống. Vì vậy mà tôi luôn dành sự ngưỡng mộ và ủng hộ nhiệt tình cho những người đang thực tâm cống hiến cho ngành nghề này (với điều kiện phương pháp của họ là đúng), cũng như những start-up về giáo dục. Tôi rất thích dự án của anh học viên nọ, vì nếu giáo dục có quyền năng như vậy, nó nên đến với người trẻ càng sớm càng tốt, tất nhiên phải để sự học hỏi đó diễn ra tự nhiên nhất, không phải là sự “gồng mình”, không phải chạy đua chỉ tiêu, không phải là cho con đi học trước để con “vượt trội” hoặc không bị chậm hơn so với các bạn cùng lớp (một nỗi ám ảnh không có cơ sở của các bậc phụ huynh). Hãy đưa những Giá trị sống và Kỹ năng sống đến với những đứa trẻ sớm hơn, để cho chúng biết mơ ước sớm hơn, biết tôn trọng sự khác biệt sớm hơn, biết làm việc nhóm sớm hơn, biết chịu trách nhiệm sớm hơn, biết ra quyết định cho cuộc đời chúng sớm hơn… “Viết, vẽ và tô màu” những thói quen đúng, tốt và có lợi ấy vào 1 tờ giấy khi nó còn trắng, xã hội sẽ được lợi ích lớn hơn và cắt giảm được rất nhiều Lãng phí hơn!

Và chúng ta có quyền hy vọng vào tương lai, được tạo nên vào chính lúc này. Có ba cách để kiến tạo nên một thế giới tươi đẹp ở tương lai, một là trực tiếp làm điều đó, hai là tạo ra những con người có khả năng làm điều đó, ba là cả hai. Tôi hy vọng là bằng những hạt mầm được gieo vào lúc này, 10 năm sau nhìn lại chúng ta cũng cảm thấy tự hào vì đã làm được đôi chút những điều có ý nghĩa. Chúng ta có quyền hy vọng, và hãy tập trung hơn vào giáo dục, cũng như sự tự giáo dục.

Bởi lẽ, Muốn Thay đổi xã hội này mà lại không Hoán cải con người thì khác gì Mò trăng đáy giếng.

TMT

Tạ Minh Tuấn – TMT – là doanh nhân thành công tiên phong trong nhiều lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam, là 1 trong 30 người thành công nổi bật và ảnh hưởng nhất tại Việt Nam theo bảng xếp hạng danh tiếng “30 Under 30″ của tạp chí hàng đầu thế giới về kinh doanh Forbes, đồng thời cũng là người sáng lập YUP! Start-Up Education & Incubation Centrer (www.yup.edu.vn).

>> Bài viết hay về khởi nghiệp

>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh

>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *