Skip to content

Thiền… thoát khổ

Trước khi bắt chuyến bay từ Yangon về Sài Gòn, chúng tôi vẫn có đủ duyên để kịp ghé thăm “nơi khởi nguồn” của phương pháp đã thanh lọc tâm cho mình.

Cách đây khoảng 23 thế kỷ, tại Ấn Độ có 1 vị vua rất độc ác và tàn bạo tên là Asoka, sau khi đánh chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn, ông ấy tìm thấy phương pháp tu tập thiền của đức Phật Gautama và áp dụng, rất đáng ngạc nhiên, sau đó dần dần ông ấy trở thành 1 vị vua đầy lòng trắc ẩn và nhân từ. Biết rằng giáo lý và phương pháp thiền của Đức Phật sẽ bị suy vong ở Ấn Độ – nơi mà nó được sinh ra. Asoka đã mang phương pháp này lưu giữ tại khắp Châu Á – đó là sự truyền bá của đạo Phật ra các quốc gia khác. Tuy nhiên quốc gia lưu trữ được nó một cách thuần khiết nhất là Miến Điện (Myanmar). Các vị thiền sư của Miến Điện đã lưu giữ nó tinh khiết hết mức có thể, và truyền lại cho những đệ tư sau này của mình. Một trong những vị đại thiền sư đó là Ubakhin – ông là Bộ trưởng một lĩnh vực quan trọng của Myanmar, Ubakhin làm nhiệm vụ của mình tốt và chánh trực đến nỗi, sau đó Myanmar phải nhờ ông làm Bộ trưởng của 5 lĩnh vực một lúc, vì không có đủ người. Điều đáng ngạc nhiên là ông vẫn làm rất tốt cả 5 vai trò, mà chỉ nhất quyết nhận lương của 1 vai trò. Ubakhin có 1 đệ tử là thiền sư Goenka, đây là người mà sau này đã mang phương pháp thiền này về lại Ấn độ, và từ Ấn độ ra khắp thế giới như ngày hôm nay.

Điều này cũng tương ứng với một lời tiên tri cổ xưa là phương pháp này sẽ bị “thất truyền” ở nơi nó được sinh ra, sau đó được lưu giữ ở một “vương quốc vàng”, rồi từ vương quốc này quay trở lại Ấn Độ, và từ Ấn Độ lại đi ra khắp thế giới.

Ngày nay có rất nhiều phương pháp thiền, kể cả những kiểu thiền rất “giải trí”. Có người còn dạy thiền để kiếm tiền. Con người đem những kỹ nghệ của mình ra buôn bán như một món hàng hóa, và họ làm vấy bẩn những phương pháp tinh khiết như vậy. Vì vậy, chúng tôi chọn lựa tìm về với sự nguyên thủy, từ cái giản đơn nhất, từ cái gốc rễ nhất.

Chúng tôi đã ghé thăm trung tâm Dhamma Joti – là trung tâm thiền đầu tiên do đích thân ông Goenka lập tại Myanmar. Rồi sau đó vẫn đủ duyên ghé thăm IMC (International Meditation Center) – trung tâm thiền nơi ông Goenka là đệ tử đã lĩnh hội một cách toàn vẹn phương pháp thiền từ ông Ubakhin. Tuy không phải là đất nước Ấn Độ, nhưng đây gần như là nơi “khởi nguồn của mọi việc”. Cá nhân tôi cảm thấy mình rất may mắn khi đến được đây, sau 1 năm tiếp xúc và thực hành tại Việt Nam. Do báo trước, khi đến tôi được quản lý tiếp đón, cho ngồi thiền ngắn giờ (do khóa thiền đang diễn ra nên không thể ngồi tại Hall) ở Shine Room, được ngồi thiền ở nơi có những người đã chứng nghiệm sự giác ngộ từng ngồi, cá nhân tôi cảm thấy có năng lượng của “một người khổng lồ” đặt tay lên đầu mình (nhưng không nên tìm kiếm những trải nghiệm đặc biệt như vậy khi thiền làm gì, cứ bình tâm : ). Và sau đó còn được ăn một buổi ăn chay Myanmar với món Mỳ của người Shan (Shan Noodle).

Phương pháp thiền này có tên là Vipassana. Vipassana có nghĩa là “Nhìn sự vật như nó vốn là”. Con người tôi không thường hay PR hay quảng cáo cho một điều gì. Tôi cũng không muốn nói nhiều về nó. Vì đã không đủ duyên thì có giới thiệu cũng vô ích. Nhưng hôm nay vì lòng trắc ẩn, tôi để thông tin này lại đây và hy vọng rằng trong nay mai nếu có ai muốn chuyển hóa đau khổ, hay học nghệ thuật sống hạnh phúc, thì họ sẽ tự tìm kiếm tiếp dựa vào cái tên này, và từ đó họ sẽ tiếp cận được với phương pháp thiền này.

Chúc tất cả hạnh phúc : )

>> Bài viết hay về Khởi nghiệp

>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh

>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *