Skip to content

Nỗi Sợ Và Sự Thật

ta minh tuan
Những chiếc máy bay đã rơi. Và những giọt nước mắt cũng rơi.Trong vài ngày qua, đã liên tiếp diễn ra những vụ rơi máy bay nghiêm trọng. Đó thật sự là một nỗi buồn không chỉ của riêng ai, không chỉ của riêng quốc gia nào, mà cả nhân loại đều đang xót xa trước những chuyến bay của số phận, những chuyến bay tử thần…Chúng ta dễ có một cảm giác rằng: Có chuyện gì đang xẩy ra vậy? Đây là thời điểm dẫn đến sự đổ vỡ có tính hệ thống của ngành hàng không? Phải chăng tất cả chỉ là một âm mưu?

Tĩnh táo hơn và tra cứu lại, chúng ta nhận ra trong các năm 2012 và 2013, số lượng máy bay rơi cũng đã hơn 100 vụ, còn năm 2014 này thì lại chưa quá 50 vụ. Và tỷ lệ thiệt mạng do sử dụng máy bay là thấp nhất nếu so sánh với các phương tiện khác như xe buýt, ô tô, tàu lửa, xe máy, và kể cả… đi bộ.

Tuy nhiên thì con người vẫn sợ đi máy bay, vẫn bị ám ảnh về chúng, vì sao vậy?

Thứ nhất, có lẽ Nỗi Sợ xuất phát từ Nhận thức rằng mình có khả năng kiểm soát được tình huống hay không? Các phương tiện khác như xe máy, ô tô… dù nguy hiểm hơn, nhưng con người vẫn có “cảm giác” rằng mình có khả năng kiểm soát được tình huống đó hơn (dù thật ra điều đó chỉ là cảm giác), ví dụ: nếu có sự cố gì thì có thể… nhảy ra ngoài đường chẳng hạn. Còn khi bay ở độ cao hơn 10.000 mét, giao phó tất cả tính mạng cho những người xa lạ, con người cảm thấy khả năng kiểm soát của họ bằng 0. Đó là nguồn gốc của nỗi sợ.

Thứ hai, các tai nạn trên đường bộ đôi khi diễn ra rất đột ngột, người gặp nạn có thể cũng không kịp nhận ra chuyện gì đã xẩy ra với mình. Đối với một vụ rơi máy bay thì khác, con người phải đối diện với Nỗi sợ của mình trong khoảng thời gian máy bay rơi, và họ nhận ra một Sự thật khác, một sự thật quá muộn màng, và trong tiềm thức của mình, họ sợ phải nhận ra sự thật đó trong một tình huống như vậy.

Cách đây vài hôm khi phải đi công tác bằng máy bay, trước khi đi tôi có gặp mẹ mình, rồi đến sát giờ và tôi lên xe chở ra sân bay. Dù đã chào mẹ nhưng trước khi đi tôi lại có cảm giác hình bóng của mẹ ở phía sau, và khi đã vào xe, đóng cửa lại, đi được mấy chục mét tôi bất chợt cảm thấy đau nhói vì mình không quay lại ôm mẹ một cái khi có ngay cảm giác đó. Không hiểu sao tôi lại bị ám ảnh bởi việc này trên suốt chặng đường ra sân bay…

Chuyến bay đó có lúc bị rung lắc rất mạnh và ngay trong thời khắc đó, tôi chỉ ước rằng mình đã ôm mẹ một cái trước khi đi. Đó là tất cả những gì mà tôi kịp nghĩ đến.

Một sự tiếc nuối vô hạn chỉ trong vài chục giây rung lắc ngắn ngủi.Trong cuộc sống, có lẽ chúng ta cũng thường hay như vậy, phải đến cái giây phút cuối cùng thì mình mới biết điều gì là đáng quý, và mình chỉ cần có gì là đủ. Cái sự thật đó lại được “ưu ái” nhận ra chỉ vào những giây phút khi mà tất cả mọi thứ có thể sẽ nhạt nhòa đi trong giây lát, điều đó là một nỗi ám ảnh, mội niềm khắc khoải, một sự bất lực.Chỉ cần “nắm tay những người thân yêu”, “ôm chặt con trẻ vào lòng”, chỉ cần “trao gửi ánh mắt yêu thương”, “hay đơn giản nói một lời từ biệt” – như lời bộ trưởng Hà Lan đã nói.

Vào một lúc nào đó thì đó là tất cả những gì chúng ta cần trong cuộc sống này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *