Skip to content

Innovation Vs. Kaizen

Bài này tôi viết từ khoảng năm 2007 – 2008, Public trên Blog Yahoo! 360 hồi đó của mình : ) Nay xem lại thấy có thể vẫn còn có ích cho một số anh em, nên tôi xin được chia sẻ lại trên Blog Khoinghiepthongminh.com (Smartrepreneur.net) của mình.

—————-

Bạn đã bao giờ từng băn khoăn, trăn trở về 2 khái niệm này?

Bạn nghĩ rằng Đổi mới và Cải tiến là một?

Cải tiến liên tục (Kaizen)Đổi mới (Innovation) là 2 khái niệm khác nhau. Mọi thứ đều có cái giá của nó, tùy theo cách bạn đánh giá cái giá và nhìn nhận vấn đề mà Đổi mới hay Cải tiến sẽ liên quan với nhau như thế nào: đối nghịch, tương hỗ, hay không liên hệ, từ đó bạn sẽ tìm ra giải pháp riêng của mình.

Đổi mới

Phương Tây rất tôn sùng Innovation, đối với họ sự phát triển có nghĩa là không ngừng tạo ra cái mới, tôn vinh những giá trị mới.

“Thay đổi” cũng là một giá trị trong văn hóa phương Tây. “Thay đổi” là một giá trị Mỹ từ ngày lập quốc đến nay, là khẩu hiệu của đảng Dân Chủ trong lần ra tranh cử thứ 56, là một yếu tố giúp cho nước Mỹ luôn dẫn đầu với vai trò siêu cường quốc.

“Chỉ có một thứ không bao giờ thay đổi, đó là sự thay đổi” – Michael Dell.

Innovation là nỗi loạn, thách thức quá khứ.

Định nghĩa của Sáng tạo – là luôn tạo ra cái mới – Đó là định nghĩa theo “iGod” Steve Jobs, và cũng là văn hóa tinh thần của hàng ngàn nhân viên Apple. Có thể xem Apple là một công ty mẫu mực cho việc sáng tạo ra cái mới.

Vấn đề nảy sinh, mỗi khi những công ty phương Tây sáng tạo ra cái mới, gần như ngay lập tức họ để mất thị trường vào tay những công ty phương Đông, họ bị cắt xẻ thị trường, và giải pháp của họ ở đây là thay vì cố gắng giành giật lại thị trường bằng cái cũ, họ tiếp tục phát huy giá trị đổi mới của mình, không ngừng tạo ra những vật chất mới, tạo ra những thị trường mới.

Lý do của vấn đề trên đó là những công ty phương Đông đã rất thành công trong việc áp dụng những gì mà phương Tây đã tạo ra, và còn hơn thế nửa, họ Cải tiến liên tục những thứ này, làm cho nó không ngừng Tốt hơn.

Sự khác nhau là, một bên giành thị trường bằng cách không ngừng tạo ra cái mới, một bên giành thị trường bằng cách không ngừng cải tiến những cái bên kia đã tạo ra để làm cho nó tốt hơn hẳn.

Cải tiến

Mác-xít giống như một con dao đâm thẳng vào chủ nghĩa tư bản nhưng chủ nghĩa tư bản đã dùng chính con dao ấy để khâu lành vết thương của mình.

Câu đó có nghĩa gì?

Nhờ nghiên cứu Mác-xít, thậm chí phần nào nghiêm túc hơn cả các nước xã hội chủ nghĩa, mà chủ nghĩa tư bản phương Tây mới không bị Mác-xít nuốt chửng.

Ở đây cũng vậy.

Từ chỗ là người đi đầu, phương Tây phải cử những đoàn người liên tục sang Nhật trong 55 năm để học hỏi những công cụ quản lý tốt nhất, khám phá những viên ngọc ẩn giấu về khoa học quản lý và sản xuất, đó là Hệ Thống Sản Xuất Toyota (TPS), Just in time (JIT), Lean … như những kho tàng quý giá giúp cho các doanh nghiệp phương Tây nâng cao sức cạnh tranh, một trong số đó là Kaizen.

Như đã nói, tính triết lý của Kaizen không giống như Innovation.

Nếu như Đổi mới là thay đổi toàn bộ, diễn ra ngay lập tức, cường độ cao, quy mô lớn và tốn nhiều chi phí thì Cải tiến liên tục diễn ra trong 1 thời gian đủ lâu, với những động tác nhỏ, hàng ngàn những ý tưởng sáng tạo đơn giản, mà khi cộng gộp lại, nhìn vào kết quả cuối cùng ta sẽ phải kinh ngạc.

Bản chất của Kaizen là sự đơn giản. Nhưng hàng ngàn cái đơn giản sẽ tạo ra một hiệu quả không thể tin được.

Toyota là một công ty mẫu mực của việc áp dụng Kaizen. Có bao nhiêu công ty trên thế giới mơ ước mình sẽ xây dựng được một hệ thống như Toyota?

Hãy hỏi nhân viên rằng “Nếu làm chủ công ty này, anh sẽ làm gì để cải thiện nó?”

Kaizen là một hệ thống: mà tất cả mọi người trong công ty, tổ chức đều tham gia vào quá trình cải tiến, đóng góp ý tưởng sáng tạo.

Kaizen là một bầu không khí: kích thích nhân viên hào hứng hơn khi đóng góp và thực thi ý tưởng, từ đó họ dấn thân hơn, cống hiến hơn và tự hào hơn khi là một phần của doanh nghiệp. Chính vì vậy, Kaizen rất đơn giản, nhưng lại cực kỳ khó bắt chước, khi triển khai Kaizen bạn sẽ thấy muôn vàn những khó khăn lộ dạng. Để duy trì Kaizen là cả một khoa học nghệ thuật.

Kaizen là một văn hóa, một triết lý – triết lý của sự giản đơn. Kaizen là những gì đơn giản nhất.

“Đừng xem thường những thứ nhỏ nhoi, diều bay được là nhờ cái đuôi.”  – ngạn ngữ Mỹ.

Kaizen có nghĩa là thách thức hiện tại. Hãy làm cho mọi thứ tốt hơn và không bằng lòng với hiện trạng.

Cái tốt nhất là kẻ thù của Kaizen.

Phấn đấu đạt cái tốt nhất, nhưng hãy bắt đầu bằng cái tốt hơn.

Kaizen có nghĩa là phải liên tục thực hành. “Những điều mà chúng ta phải học trước khi thực hành chúng, chúng ta sẽ học bằng cách thực hành chúng” – Aristotle.

Sáng tạo ở đây được tôi hiểu rằng: Sáng tạo thực ra chỉ là sắp xếp lại những gì đã có sẵn, bởi vì “Không có gì mới dưới ánh mặt trời” – Kinh Cựu Ước.

Kaizen có nghĩa là thay đổi cách tư duy dựa vào hiện trạng để mang đến sự cải tiến. “Think inside the box” before “Think out of the box”

Công ty Công viên cây xanh Hà Nội tiến hành cắt tỉa cành cây.

Các cột đèn giao thông trên lề đường đôi khi bị tán cây che khuất khiến cho người đi đường không thể quan sát các đèn tín hiệu.

Giải pháp?

Chuyển “chiều dọc thành chiều ngang” đối với cột đèn.

kaizen 4

Đó chính là Kaizen.

Đèn tín hiệu giao thông trong trường hợp trên nằm ngang, với những nước có mùa đông thì diện tích tuyết phủ lên đó sẽ nhiều, gây ra nhiều khó khăn, tai nạn cho người đi đường. Giải pháp?

Bằng việc “chuyển chiều ngang thành chiều dọc” với đèn tín hiệu, diện tích tuyết phủ sẽ giảm đi, ta không cần dùng nguyên liệu nặng để chế tạo đèn giao thông, chi phí vật liệu tiết kiệm được rất đáng kể xét trên diện tích một quốc gia.

Đó chính là Kaizen.

Đừng bỏ qua những điều hiển nhiên. Chúng có để làm gì?

Hãy tưởng tượng một công ty gồm 100 nhân viên, mỗi nhân viên trung bình đóng góp và thực thi 1 ý tưởng / tuần, như vậy trong một năm công ty thực thi được 5200 ý tưởng cải tiến như vậy. Năng suất làm việc, thời gian tạo ra sản phẩm sẽ được cải tiến đến mức nào? Hiệu quả là không ngờ.

Kaizen vs Innovation

Edison từng nói : “Nếu mọi người chỉ lo cải tiến, sẽ chẳng có phát minh nào cả.”

Thật vậy, Edison là thiên tài phát minh với hàng ngàn bằng sáng chế. Ông là một thiên tài trong lĩnh vực tạo ra cái mới.

Nhưng một điều mà Edison không nói ra, đó là “Cải tiến mà không đổi mới thì sớm muộn gì ta cũng cáo chung. Còn nhìn về tương lai, đổi mới mà không cải tiến thì chẳng đi về đâu cả.”

Lấy chiếc máy ghi âm làm ví dụ, đó là một phát minh rất lớn, một phần quan trọng trong lịch sử loài người.  Edison gần như không thu về được đồng nào từ phát minh này.

Chiếc máy của Edison có dạng hình trụ và ghi âm trên ống trụ thẳng đứng. Tuy nhiên hình dáng này không phù hợp trong sản xuất. Không lâu sau, những nhà cải tiến đã làm một công việc đơn giản đó là “chuyển chiều dọc thành chiều ngang”, từ đó mới có cái dĩa nhựa nằm ngang, ấy vậy mà đã giúp cho máy ghi âm có thể sản xuất hàng loạt. Thay đổi nhỏ nhưng làm cho máy ghi âm phổ biến toàn thế giới, và các nhà cải tiến sản xuất đã hốt tiền từ nó, tất nhiên, thế giới cũng trở nên tốt đẹp hơn, mọi nhà đều có thể có một chiếc máy ghi âm.

Ta rút ra được điều gì?

Không cần phải là người đặc biệt, người thường có thể dễ dàng thực hiện những việc như “chuyển chiều dọc thành chiều ngang”, rõ ràng, nó không đòi hỏi thiên tài hay năng lực tư duy như việc tạo ra một chiếc máy ghi âm,  nói cách khác:

Biết cách vận dụng những thay đổi nho nhỏ, sử dụng những điều sờ sờ ra trước mắt nhưng người ta thường bỏ qua thì: Ngay cả người bình thường cũng có thể Thách thức Thiên tài.

Người Nhật không phát minh ra điện thoại, ti vi, máy vi tính, họ không phát minh ra động cơ hơi nước, ô tô, máy bay, và cũng không phát minh ra World Wide Web, Internet, họ cũng không đặt chân lên mặt trăng … vậy tại sao ngày nay cả thế giới đang thán phục trước những gì mà Nhật Bản làm được? Và chúng ta đang chứng kiến nước Nhật “xâm lược” thế giới như thế nào?

Nếu bạn không phải là thiên tài, có cách nào giúp bạn chiến thắng thiên tài?

Cuộc chiến giữa gã tí hon và người khổng lồ nên có kết quả là người khổng lồ bị gã tí hon quật ngã hay là gã tí hon đứng trên vai của người khổng lồ?

Henry Ford – tượng đài của ngành công nghiệp xe hơi, người tạo ra mô hình sản xuất hàng loạt mà sau này Toyota đã dựa vào đó để tạo ra JIT, một con người vĩ đại, mỗi buổi sớm thức dậy suy nghĩ đầu tiên của ông là “Tôi có thể làm điều đó Tốt hơn không?”, với triết lý của mình, ông không ngừng đưa ra những mẫu xe hơi chất lượng cao hơn mà giá thành ngày càng rẻ hơn – làm lợi cho khách hàng bằng cách làm cho hàng hóa ngày càng rẻ đi, đó là triết lý sống còn của Henry Ford, là điều làm nên sự vĩ đại của ông.

Trên hết, Henry Ford và Thomas Edison là 2 người bạn thân. Họ là những người bạn lớn của nhau, từng giúp đỡ nhau trong sự nghiệp của mình, thỉnh thoảng họ vẫn ra dòng suối câu cá cùng nhau. Giữa họ – cách nghĩ của người kia chẳng có gì là mâu thuẫn với mình. Họ đều là những người vĩ đại.

Kaizen hay Innovation? Cải tiến liên tục hay Đổi mới? Câu trả lời là ở bản thân bạn.

Không dấn thân vào việc truy tìm ý tưởng là sống giống như loài kiến chứ không phải con người.

Hãy mơ ước cái thế giới mà bạn sống, rồi làm cho cái thế giới đó trở thành của bạn.

TMT

>> Bài viết hay về khởi nghiệp

>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh

>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *