Skip to content

Doanh nghiệp tạo tác động xã hội thiếu tính thực chiến

Theo CEO TMT Group – Tạ Minh Tuấn, doanh nghiệp SIB nếu không chủ động khám phá thị trường, chuẩn bị kịch bản dài hơi thì còn nhiều khó khăn.

Khách mời trong talkshow Nguy – Cơ 13 là Tạ Minh Tuấn, người từng được vinh danh trong Forbes Asia 30 Under 30 lĩnh vực khoa học và y tế năm 2016.

Hiện tại, anh là Chủ tịch TMT Group với gần 20 doanh nghiệp, tổ chức hoạt động đa lĩnh vực. Thời gian gần đây, Tạ Minh Tuấn trở thành nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt với các doanh nghiệp tạo tác động xã hội.

Bên cạnh đó, doanh nhân 8x cũng là tác giả cuốn sách về khởi nghiệp “Trước bình minh luôn là đêm tối” do Alpha Books phát hành. Chia sẻ với host Nguyễn Phi Vân trong talkshow Nguy – Cơ, vị này cho biết tựa đề cuốn sách không chỉ đề cập đến quy luật tự nhiên mà còn gợi liên tưởng đến cuộc đời mỗi người cũng như mỗi doanh nghiệp.

“Với mỗi con người, những đêm đen là khi còn đang loạng choạng tìm kiếm một giải pháp.Với doanh nghiệp là khi chưa tìm được công thức thành công. Khoảnh khắc khi làm đúng, nhận được đầu tư, tìm ra công thức thành công, xây dựng được thương hiệu là bình minh đến”, anh này nói. Điều doanh nhân sinh năm 1988 đúc rút được là hãy tận dụng những khó khăn đó một cách hiệu quả.

Thiếu cân bằng – điểm yếu của giới khởi nghiệp

Ví môi trường khởi nghiệp như chiếc máy giặt trải qua quá trình giặt giũ sẽ giúp quần áo sạch và sáng hơn. Những nhà sáng lập đều phải trải qua nhiều thách thức, khó khăn trong hành trình đi đến thành công theo cách này. “Làm kinh doanh có thể hạnh phúc chứ sướng thì không. Đó là hành trình để mình trở nên hoàn hảo hơn”, CEO TMT Group chia sẻ.

Trong phần đầu talkshow, Tạ Minh Tuấn cũng nhắc tới vai trò của mình khi là một nhà huấn luyện giáo dục. Điểm quan trọng nhất trong công việc này, theo Tuấn là phải định nghĩa triết lí giáo dục của mình là gì, liệu rằng Việt Nam đã có triết lí giáo dục chưa. Khi đó, người huấn luyện có thể xác định phương pháp giáo dục, từ đó triển khai để tạo ra những tác động cho học viên, cộng đồng, xã hội.

Một khái niệm được doanh nhân đề cập, là triết lý giáo dục chuyển hóa.
Vị này dẫn chứng một người tích hợp nhiều kiến thức, kĩ năng, công cụ nhưng sẽ không sử dụng tốt nếu chưa được chuyển hoá để có trái tim của một doanh nhân. Đó là những phẩm chất, giá trị cốt lõi của một doanh nhân thời đại 4.0.

Nhìn nhận về những điểm yếu của startup Việt, CEO 8x cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam thiếu nhất là sự cân bằng. “Có người kĩ năng kinh doanh rất tốt, nhưng cái tâm không tốt. Người tâm tốt lắm khi kinh doanh không tốt. Đó là những doanh nghiệp vì sứ mệnh chứ không vì lợi nhuận”, Tuấn nói.

Ảnh cắt từ talkshow Nguy - Cơ 13.
Ảnh cắt từ talkshow Nguy – Cơ 13.

Theo doanh nhân trẻ, có những trường hợp, người chủ doanh nghiệp bắt đầu với cái tâm tốt. Song trong quá trình kinh doanh, người ta bắt đầu có kỹ năng kinh doanh, kiếm được lợi nhuận lại chệch đi sứ mệnh ban đầu. Những doanh nhân này cần những người thầy hoặc người cố vấn nhắc nhở họ đâu là con đường đúng.

Với những người đứng đầu doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB), Tạ Minh Tuấn cho rằng: “Một trong những điều cần học là kỹ năng làm chủ cuộc đời, làm chủ được thời gian. Họ cần nhìn nhận vấn đề xa hơn, để thấy được đâu là điều quan trọng, đâu là thứ nên được ưu tiên”.

Chủ động khám phá thị trường

Nói về đầu tư tạo tác động xã hội, doanh nhân trẻ chia sẻ bản thân luôn sống và làm việc với một sứ mệnh, là chuyển hóa Việt Nam thành một nơi đáng sống hơn. “Giáo dục là tiên phong, công nghệ và đầu tư là hai trợ thủ đắc lực để tôi thực hiện sứ mệnh đó”, vị này nói.

Theo hướng này, định hướng của doanh nhân không thay đổi, dù trước hay sau Covid-19. Nếu có thay đổi là cách tiếp cận, chiến thuật, chiến lược kinh doanh tại những công ty vị này tham gia đầu tư.

Một ví dụ về thương vụ đầu tư gần đây, Tạ Minh Tuấn đầu tư một chuỗi trung tâm đào tạo về phần mềm thiết kế kỹ thuật. Họ gặp nhiều khó khăn trong Covid-19 do giãn cách xã hội mọi người không dám đến lớp, doanh số sụt giảm nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, Minh Tuấn cho rằng người chủ doanh nghiệp cần làm 3 việc: cấu trúc nguồn vốn công ty, biết khi nào hết tiền và nguồn tiền lấy từ đâu; xây dựng luật chơi: những chính sách, quy định, hệ thống quản trị, quy chế công ty; đi tìm người về chơi theo luật.

Vị chuyên gia nhận định, khi gặp khó khăn, doanh nghiệp nên quay về những điều cơ bản. Nếu làm tốt những việc này, chủ doanh nghiệp không cần thiết làm “trăm công nghìn việc khác”.

Trong thời điểm những mô hình chuỗi thường “chết” vì chi phí vận hành, trung tâm Tạ Minh Tuấn đầu tư áp dụng chiến lược mới. Thay vì tiếp tục mở rộng và tốn một lượng chi phí lớn, họ tích hợp với các trường đại học, mở trung tâm bên trong trường ĐH Bách khoa TP HCM. Trung tâm tiến hành chiêu sinh thông qua đội ngũ sinh viên của trường.

“Thị trường có sẵn, hồ cá có sẵn, mình chỉ việc đến đó xây dựng chính sách. Tháng 10 vừa rồi, công ty đã chinh phục được một loạt kỉ lục về doanh số, có được những doanh số cao nhất từ thời điểm thành lập tới bây giờ”, anh này nói.

Tạ Minh Tuấn - CEO TMT Group.
Tạ Minh Tuấn – CEO TMT Group.

Nói về những cơ hội mới cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, Tạ Minh Tuấn cho rằng sau đại dịch, hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi. Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội cũng cần phải thay đổi, điều chỉnh mô hình kinh doanh theo hướng đó. “Mình hãy lao đến nơi mà quả bóng sắp sửa đến, chứ không phải là nơi mà quả bóng đang ở đó”, anh này nói.

Theo vị này, những người chủ doanh nghiệp tạo tác động xã hội phải khám phá lại thị trường tiêu dùng. Vị này nhận định điểm yếu của người làm kinh doanh tác động xã hội là thiếu đi tính thực chiến.

“Người ta sống với giấc mơ, với lý tưởng, nhưng người ta không sẵn sàng tiếp xúc thị trường. Tuy nhiên, công ty nào tiếp xúc với thị trường tiêu dùng đầu tiên sẽ là công ty hiểu về thị trường nhất”, Tạ Minh Tuấn cho hay.

Vị doanh nhân nhấn mạnh đại dịch có thể còn kéo dài, không chỉ cuối năm nay mà còn đến cuối năm sau. Những lãnh đạo doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản, kế hoạch kinh doanh trong thời gian dài để đáp ứng những thay đổi đó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *