Skip to content

Cách viết Mission Statement hiệu quả

Mission Statement

Ở bài viết trước tôi đã chia sẻ về việc xây dựng nên “Bản sắc doanh nghiệp” (Corporate Identity), trong đó có bao gồm luôn cả “Tuyên bố sứ mệnh” (Mission Statement). Trong bài viết này, tôi sẽ nói rõ hơn về phần  này.

Rất nhiều công ty có tuyên bố sứ mệnh, nhưng lại rất ít công ty có một bản tuyên bố sứ mệnh thực sự hiệu quả.

Những lý do vì sao tuyên bố sứ mệnh của bạn không ”work”?

1.Viết cho có, cho ”bằng chị bằng em”. Người ta có, thì mình cũng phải có.

2.Mục đích là để ”hoành tráng”. Công ty to, tầm nhìn lớn, tham vọng bự, phải có tuyên bố sứ mệnh cho ngon lành, để ”tự hào mà đi khoe”

3.Thấy công ty khác cùng ngành, cùng lĩnh vực, ý tưởng gần giống nên ”chôm” về y chang.

4.Viết chủ yếu dựa trên duy ý chí của người chủ doanh nghiệp hay người sáng lập. Căn cứ vào thích hay không thích.

5.Viết cho xong việc. Để có cái đưa lên website, trình bày với nhà đầu tư, nhưng niềm tin rất mơ hồ, và sau khi viết xong thì ”chẳng bao giờ đụng đến”

Cách để viết một tuyên bố sứ mệnh hiệu quả: phải Liên kết với Chiến lược

Sự hiểu lầm nằm ở chỗ: các nhà khởi nghiệp không biết rằng thực ra Tuyên bố sứ mệnh cũng là 1 dạng chiến lược và nó cần có sự liên kết với chiến lược kinh doanh.

(1) Đầu tiên, bạn cần phải hiểu rằng những phạm vi ưu tiên nào mà doanh nghiệp của bạn có thế mạnh và muốn xây dựng một đế chế ở trong phạm vi đó?

(2) Tiếp nữa, bạn cần biết mục tiêu của doanh nghiệp là gì? Doanh nghiệp muốn đạt được vị trí như thế nào, trở thành cái gì, tạo ra kết quả gì ở phạm vi (1)?

(3) Sau nữa, bạn cần trả lời được thời hạn để đạt được mục tiêu (2) là gì?

(4) Một cách tổng quan và có tính định hướng, doanh nghiệp cần làm gì để đạt được cả (1), (2) và (3)? – Đây chính là Bản tuyên ngôn sứ mệnh của doanh nghiệp đó.

Tuy nhiên, hành động của bạn là vô nghĩa nếu nó không mang đến giá trị cho một đối tượng cụ thể nào đó. Trong kinh doanh có 4 đối tượng mà bạn nên lưu tâm đến, gọi là CEOS, bao gồm Customer (Khách hàng), Employee (Nhân viên), Owner (Cổ đông), Social (Cộng đồng).

Một bản tuyên ngôn sứ mệnh tốt và chi tiết là khi nó hướng đến các đối tượng này. Tôi có thể lấy ví dụ từ chính 1 doanh nghiệp về y tế do mình sáng lập nên (HELP International) như sau:

HELP hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần cho người dân Việt Nam. (Tuyên ngôn chung)

HELP giúp việc thăm khám chữa bệnh trở nên dễ dàng, thuận tiện, hiệu quả với thái độ và chất lượng dịch vụ chu đáo, tận tâm, thân thiện, đảm bảo sự an tâm và hài lòng của khách hàng. (C – Customer)

HELP đảm bảo tạo ra một môi trường làm việc tích cực cho các thành viên có chung mục tiêu (E – Employee), từ đó cùng sáng tạo các giá trị mới cho nhà đầu tư  cộng đồng. (O – Owner, S – Social)

Tuyên ngôn sứ mệnh có liên quan đến việc lựa chọn chiến lược. Tôi trích dẫn 1 số ví dụ sau đây là một vài so sánh thú vị về cách nhìn nhận chiến lược khác nhau trong một số tổ chức, công ty.

Sở cảnh sát:

“Sứ mệnh của chúng tôi là ngăn chặn tội ác”, “Sứ mệnh của chúng tôi là thực thi luật pháp”. Nếu như sứ mệnh của tổ chức này là “ngăn chặn tội ác”, chắc chắn họ sẽ triển khai và thực hiện các chương trình giáo dục – Những cố gắng của họ sẽ tập trung vào việc giúp đỡ mọi người có được sự hiểu biết và vận dụng các kỹ năng cần thiết để kiềm chế xung đột, kiểm soát stress và hiểu rõ các quy định của pháp luật. Trong khi nếu sứ mệnh của tổ chức này chỉ đơn giản là “thực thi luật pháp”, họ sẽ triển khai các hệ thống và các hành động cần thiết để bắt những ai vi phạm luật pháp.

Hãng hàng không:

“Sứ mệnh của chúng tôi là vận chuyển hành khách từ địa điểm A đến địa điểm B”. “Sứ mệnh của chúng tôi là mang đến sự thư giãn cho mọi người trên độ cao 25.000 feet”. Mỗi mục tiêu này sẽ dẫn dắt công ty đi theo những hướng rất khác nhau. Với sứ mệnh thứ nhất, nhân viên trong công ty chỉ cần quan tâm đến việc vận chuyển hành khách một cách có hiệu quả. Trong khi đó, với sứ mệnh thứ hai, Virgin Group đã tập trung vào việc tạo ra sự thư giãn thoải mái cho hành khách trên các chuyến bay: “Tất cả những gì chúng tôi làm là để tạo ra một chuyến đi vui vẻ và đáng nhớ”.

Nhà sản xuất công nghiệp:

“Sứ mệnh của chúng tôi là làm ra những chiếc roi da dành cho người điều khiển xe ngựa”. “Sứ mệnh của chúng tôi là thiết kế và sản xuất ra các sản phẩm bằng da thỏa mãn các nhu cầu của khách hàng”. Cái gì sẽ xảy ra nếu sứ mệnh của công ty quá hẹp? Những công ty tuyên bố sứ mệnh của họ là “làm ra những chiếc roi da” hầu như hiện nay không còn tồn tại nữa. Trái lại, nếu một công ty khẳng định sứ mệnh là “thiết kế và sản xuất những sản phẩm da” thì ngày càng mở rộng, phát triển và thích nghi mỗi khi nhu cầu của khách hàng thay đổi.

Nhiều người rất thích sứ mệnh mà Disney World đưa ra, đó là “làm cho mọi người hạnh phúc”. Nó thật rõ ràng, ngắn gọn và súc tích. Tất cả cổ đông, khách hàng, nhân viên và cộng đồng nói chung – đều biết những gì mà Disney mơ ước là mang đến hạnh phúc và niềm vui cho họ.

(Theo Bwportal)

Sau khi có một tuyên ngôn sứ mệnh chi tiết, bạn cũng có thể đúc kết lại thành 1 tuyên bố sứ mệnh thật ngắn gọn, dễ nhớ, có khả năng truyền cảm hứng, và có liên kết đến chiến lược của doanh nghiệp, như các ví dụ trên. Hay như các gợi ý dưới đây:

-Google với sứ mệnh số hóa thế giới và hệ thống hóa thông tin trên Internet.

-Facebook với sứ mệnh mang mọi người đến gần nhau hơn qua mạng xã hội.

-Apple với sứ mệnh tạo ra giá trị khác biệt bằng các sản phẩm sáng tạo, tinh tế, đẳng cấp.

-Linkedin với sứ mệnh bản đồ hóa được nhân số và qua đó tác động tích cực đến nền kinh tế.

-Microsoft với sứ mệnh đem máy tính tới mọi nhà bằng việc đơn giản hóa các công việc phức tạp.

Viết sứ mệnh cho đúng cách, là cách để chúng ta không “biến giấy trắng thành giấy lộn”.

Khởi nghiệp một cách Thông minh, bắt đầu từ chính Tuyên ngôn sứ mệnh của bạn.

Tạ Minh Tuấn – TMT – là doanh nhân thành công tiên phong trong nhiều lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam, là 1 trong 30 người thành công nổi bật và ảnh hưởng nhất tại Việt Nam theo bảng xếp hạng danh tiếng “30 Under 30″ của tạp chí hàng đầu thế giới về kinh doanh Forbes, đồng thời cũng là người sáng lập YUP! Start-Up Education & Incubation Centrer (www.yup.edu.vn).

>> Bài viết hay về khởi nghiệp

>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh

>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *