Skip to content

[2014] Những Giá Trị Trong Một Lớp Học Hôm Nay Sẽ Trở Thành Những Giá Trị Của Cả Một Đất Nước Ngày Mai

Năm nay bận quá không đến chia sẻ nhiều với các em sinh viên nữa, gần như từ chối hết 90% chương trình. Nhưng nếu đó là mái trường Bách Khoa thân yêu thì phải sắp xếp thôi : )

Đây là ngôi trường mà tôi cảm thấy tự hào. Nó nhắc nhở tôi rằng mình vẫn là một con người của kỹ thuật (tuy giờ đây ngôn ngữ sử dụng đa phần là kinh doanh).

Dẫu vậy khi được MC Thanh Duy Idol hỏi: “Theo anh sinh viên Bách Khoa ra trường có gì đặc biệt hơn những sinh viên khác, và có ưu thế gì hơn trong việc tìm việc làm hay không?”

Tôi đã dừng lại vài giây rồi trả lời: “Theo tôi thì sinh viên Bách Khoa sau khi ra trường, họ cũng… Bình Thường thôi” (mặt tỉnh)

Cả hội trường cũng im lắng một chút (hơi choáng), rồi sau đó vỗ tay mạnh (theo kiểu em cho anh 1.000 cái like liệt chuột trên Facebook J)

Lý do tôi đưa ra là: “Người ngoài họ đã khen các bạn quá nhiều rồi (các diễn giả trước), chính chúng ta càng phải nghiêm khắc với chính mình hơn. Hiện nay thế giới thay đổi rất nhanh, những gì các bạn đang học thật sự rất lạc hậu. Sự khác biệt cần phải đến từ nỗ lực và kỷ luật của cá nhân. Nếu các bạn chỉ dựa dẫm vào danh nghĩa là cái tên của một ngôi trường, để tạo sự khác biệt, thì các bạn cũng trở nên bình thường như hàng triệu con người ngoài kia”

Rồi sau đó mình chém thêm về những cách để trở nên khác biệt, trở thành một công dân năng động, làm sao tạo ra một CV thu hút được mình (dưới vai trò chủ doanh nghiệp), cần có những kỹ năng gì và nó đã đủ?

Các diễn giả chém một hồi rồi cũng đến “nỗi đau” người Việt Nam làm chỉ bằng 1/15 Singapore. Mình kể một ví dụ có lần tham gia một chương trình chạy bộ, các bạn trẻ có vài bạn tuy không mệt lắm, nhưng lại thích đi bộ hơn chạy bộ. Điều thú vị là cứ hễ có xe của ban tổ chức đi ngang qua là các bạn lại chạy, còn xe đi mất hút thì các bạn đi bộ tiếp, trong khi họ vẫn chưa cố hết sức.

Từ đó mới thấy có những đặc tính thuộc về đặc tính cố hữu của cả một dân tộc. Nếu làm việc với bọn Tây, chỉ cần giao khoán, quản lý theo KPI và chỉ tiêu. Còn với nhân sự Việt, mình không giám sát, họ không làm. Không có đúng sai, chỉ có sự phù hợp. Đem mớ lý thuyết quản trị ở phương Tây áp hết vào đặc điểm nhân sự Việt rồi cho rằng sếp phải thế này thế nọ, mà chưa nhìn lại mình là hỏng.

Chúng ta đều là người tốt, vậy mà phải có người giám sát thì chúng ta mới thực hành hiệu quả lòng tốt của mình.

Với tính cách lao động của nhân sự như vậy: (1) thiếu Chủ động, (2) thiếu Kỷ luật, (3) thiếu Sáng tạo, và (4) thiếu Teamwork, thì không thể làm việc có hiệu quả và có hiệu suất cao được. Vì thiếu mấy cái đó thì không thể Work Hard lẫn Work Smart, và khai phá sức mạnh tổng lực của cả đội.

Vậy nguyên nhân vì đâu mà chúng ta thiếu trầm trọng mấy cái này? Đến đây thì mình chia sẻ là câu hỏi này nằm ngoài tầm trả lời của mình. Nhưng vì có những hoạt động giáo dục, nên mình… “đổ thừa” cho giáo dục, sứ mệnh của giáo dục đó là phải khai phá ra những cái “riêng biệt” của học viên (đam mê, tài năng…) và giúp cho cái riêng biệt đó tạo ra giá trị tối đa cho xã hội, chứ không phải là “đúc khuông” người nào cũng như người nào.

Trong buổi nói chuyện, mình rất tâm đắc với ý kiến của giáo sư Sudipta Roy khi bà nói rằng chúng ta không chỉ cần có “Sự tự tin để thành công” mà còn cần phải có “Sự tự tin để thất bại” nữa. Bàn về Văn hoá Thất bại tại Việt Nam thì chuyện còn dài lắm…

Cuối buổi, một em sinh viên lại hỏi mình: “Anh ơi, em nghe anh nói em bức xúc lắm, vậy giờ phải làm sao và bắt đầu từ đâu anh?!?”. Mình chỉ thẳng vào em ấy nói: “Bắt đầu từ em trước. Em thay đổi và làm gương trước, rồi em khiến cho 10 thằng bạn của em thay đổi, sau đó 10 thằng bạn của em mỗi đứa nó sẽ thay đổi 10 thằng nữa. Cứ thế…”. Em ấy sững lại một chút rồi nói: “Em hiểu rồi. Cám ơn anh”

Chương trình này do Hội Đồng Anh tổ chức với sự tham gia của các khách mời khác: Giáo sư Stephen John Bull, Giáo sư Sudipta Roy (cùng đến từ Đại học Newcatsle), chị Phạm Nam Trân – Giám đốc nhân sự Havey Narsh, anh Lê Phan Quốc Bình… Các bạn sinh viên ngồi kẹt hết cả hội trường và khá nhiều bạn phải đứng ở cuối và hai bên.

Trong quý cuối năm 2014 này, mình sẽ tổ chức những chương trình cuối cùng hướng đến đối tượng sinh viên, đó sẽ là một Unitour để góp phần loại bỏ những điều “hoang tưởng” của thế hệ sinh viên về mấy chữ: nghề nghiệp, làm giàu, khởi nghiệp… Chương trình này sẽ chỉ làm một lần duy nhất vào cuối năm nay. Vậy em/ bạn nào cũng mong muốn có những chương trình gieo lại những giá trị tích cực như thế, tại chính ngôi trường của bạn, thì liên hệ với mình qua email tuan.ta@yup.edu.vn nhé.

Bởi có những điều nếu không làm, chúng ta sẽ cảm thấy nuối tiếc hơn là đã làm.

TMT

>> Bài viết hay về khởi nghiệp

>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh

>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *